Khi mua hàng hóa bị lỗi người tiêu dùng có được bồi thường không?

 

Tiêu dùng là nhu cầu cần thiết của mỗi con người, vậy khi mua phải hàng hóa bị lỗi liệu có được bổi thường không. Hãy cùng tìm hiểu về quyền lợi, căn cứ pháp lý và cách thức thực hiện theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023.

1. Người tiêu dùng là gì?

Người tiêu dùng là người mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và không vì mục đích thương mại.

Hàng hóa bị lỗi là hàng hóa có khuyết tật.

Sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật là sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng, có khả năng gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng nhưng chưa phát hiện được khuyết tật tại thời điểm sản phẩm, hàng hóa được cung cấp cho người tiêu dùng mặc dù sản phẩm, hàng hóa đó được sản xuất theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành.

Người tiêu dùng có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh bồi thường thiệt hại khi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, không bảo đảm an toàn, đo lường, số lượng, khối lượng, chất lượng, công dụng, giá, nội dung khác theo quy định của pháp luật hoặc không đúng với đăng ký, thông báo, công bố, niêm yết, quảng cáo, giới thiệu, giao kết, cam kết của tổ chức, cá nhân kinh doanh.

2. Khi mua hàng bị lỗi có được bồi thường không

Căn cứ Điều 34 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 thì khi người tiêu dùng mua phải hàng hóa bị lỗi sẽ được bồi thường.

- Tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng, kể cả khi tổ chức, cá nhân đó không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật, trừ trường hợp quy định tại Điều 35 của Luật này.

- Tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm bồi thường thiệt hại quy định tại khoản 1 Điều này bao gồm:

+ Tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm, hàng hóa;

+ Tổ chức, cá nhân nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa;

+ Tổ chức, cá nhân gắn tên thương mại lên sản phẩm, hàng hóa hoặc sử dụng nhãn hiệu, chỉ dẫn thương mại khác cho phép nhận biết đó là tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa;

+ Tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động trung gian thương mại đối với sản phẩm, hàng hóa;

+ Tổ chức, cá nhân trực tiếp cung cấp sản phẩm, hàng hóa cho người tiêu dùng;

+ Tổ chức, cá nhân khác chịu trách nhiệm về sản phẩm, hàng hóa theo quy định khác của pháp luật có liên quan.

- Trường hợp không xác định được tổ chức, cá nhân kinh doanh tại các điểm a, b, c, d và e khoản 2 Điều này thì tổ chức, cá nhân kinh doanh quy định tại điểm đ khoản 2 Điều này có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

- Trường hợp nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh quy định tại khoản 2 Điều này cùng gây thiệt hại thì các tổ chức, cá nhân kinh doanh đó phải liên đới bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng.

- Việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Quy trình yêu cầu bồi thường do sản phẩm, hàng hóa khuyết tật gây ra

            Khi quyền lợi của người tiêu dùng đang bị ảnh hưởng thì người tiêu dùng có thể thực hiện các bước sau đây để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân như sau:

Bước 1: Xác định khuyết tật hàng hóa

Xác định hàng hóa bị khuyết tật thuộc nhóm A hay nhóm B.

  • Sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật nhóm A là sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe của người tiêu dung
  • Sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật nhóm B là sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây thiệt hại cho tài sản của người tiêu dùng.
  • Sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật có khả năng gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng thì áp dụng các quy định đối với sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật nhóm A.

Bước 2: Thu thập bằng chứng

Người tiêu dung thu thập tài liệu chứng cứ như: Hóa đơn, hoá đơn điện tử, biên bản, ảnh, báo giá sửa chữa, chứng nhận y tế, giấy kiểm định bệnh lý…

Bước 3: Liên hệ người bán hoặc nhà sản xuất

  • Yêu cầu bồi thường: Hoàn tiền, sửa chữa, thay thế hàng hóa, sản phẩm đạt tiêu chuẩn khác....

Bước 4: Yêu cầu chính thức bằng văn bản

  • Gửi mail/công văn, giữ bản sao hồ sơ.

Bước 5: Trường hợp không được giải quyết

  • Gửi khiếu nại đến cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng địa phương hoặc trung ương.

Bước 6: Khởi kiện ra tòa

  • Trong vòng 03 năm từ khi phát hiện lỗi nhà cung cấp hoặc bên sản xuất không giải quyết thì người tiêu dùng có thể khởi kiện ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền để bảo vệ quyền lợi của mình.

4. Miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hai do sản phẩm, hàng hóa khuyết tật gây ra

Tổ chức, cá nhân kinh doanh quy định tại Điều 34 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp sau đây:

+ Khi chứng minh được khuyết tật của sản phẩm, hàng hóa không thể phát hiện được với trình độ khoa học, công nghệ của thế giới tính đến thời điểm sản phẩm, hàng hóa gây thiệt hại;

+ Tổ chức, cá nhân kinh doanh đã áp dụng đầy đủ các biện pháp quy định tại Điều 32 và Điều 33 của Luật này, người tiêu dùng đã tiếp nhận đầy đủ thông tin nhưng vẫn cố ý sử dụng sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây thiệt hại;

+ Trường hợp khác theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.

            Như vậy, nếu thuộc một trong những trường hợp nêu trên thì tổ chức, cá nhân kinh doanh sẽ không phải bồi thường thiệt hại do lỗi sản phẩm, hàng hóa khuyết tật gây ra.

0346.556.969