Hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi kết hôn. Việc kết hôn giữa nam và nữ là hoàn toàn tự nguyện, không bị lừa dối hay ép buộc. Tuy nhiên, không phải mọi cuộc hôn nhân đều hoàn hảo. Bởi bất đồng quan điểm sống, tình cảm vợ chồng không còn mà dẫn tới việc ly hôn. Vậy ly hôn từ một phía là gì, trình tự giải quyết như thế nào?
1. Đơn phương ly hôn là gì?
Hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi kết hôn.
Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
Đơn phương ly hôn là việc một trong hai bên vợ, chồng yêu cầu ly hôn khi không muốn kéo dài cuộc sống hôn nhân với người còn lại. Theo đó, Tòa án sẽ giải quyết cho vợ chồng ly hôn nếu có các điều kiện nêu tại Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.
Khi một trong hai bên vợ hoặc chồng có yêu cầu ly hôn thì những vấn đề giải quyết khi ly hôn bao gồm: Quan hệ hôn nhân; Con chung và Cấp dưỡng; Tài sản chung và Nợ chung.
2. Trình tự thủ tục khi giải quyết yêu cầu ly hôn đơn phương?
Khi một trong hai bên vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn thì trình tự thủ tục bao gồm:
2.1. Hồ sơ cần chuẩn bị khi có yêu cầu ly hôn đơn phương
Khi có yêu cầu đơn phương ly hôn một trong hai bên vợ hoặc chồng cần chuẩn bị những tài liệu chứng cứ cụ thể như sau:
+ Đơn khởi kiện (Theo mẫu);
+ Căn cước công dân hoặc hộ chiếu của người khởi kiện;
+ Căn cước công dân hoặc hộ chiếu của người bị kiện (nếu có);
+ Giấy chứng nhận kết hôn;
+ Giấy khai sinh (nếu có con chung);
+ Giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng tài sản chung của hai vợ chồng (nếu có);
+ Các tài liệu chứng cứ khác;
Như vậy, sau khi chuẩn bị đầy đủ những tài liệu chứng cứ nêu trên người khởi kiện nộp hồ sơ tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền để giải quyết.
2.2. Trình tự giải quyết yêu cầu ly hôn đơn phương
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ đầy đủ và hợp lệ
Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ được nêu tại mục 2.1
Bước 2: Nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền
Nộp hồ sơ đã chuẩn bị tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền qua hình thức nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc qua dịch vụ bưu chính.
Bước 3: Tiếp nhận và xử lý hồ sơ
Sau khi Tòa án nhận được hồ sơ của người khởi kiện trong thời hạn 08 ngày làm việc Tòa án sẽ tiến hành xem xét xử lý đơn. Nếu hồ sơ hợp lệ sẽ ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí. Còn trường hợp hồ sơ không hợp lệ hoặc không đúng thẩm quyền Tòa án sẽ ra thông báo cho người khởi kiện được biết.
Bước 4: Giải quyết vụ án
Sau khi người khởi kiện nộp tiền tạm ứng án phí theo Thông báo nộp tạm ứng án phí của Tòa án thì Chánh án Tòa sẽ phân công một thẩm phán thụ lý vụ án và tiến hành giải quyết vụ án theo quy trình tố tụng.
3. Thẩm quyền giải quyết
Căn cứ Điều 28, Điều 35 và Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì thẩm quyền giải quyết đối với yêu cầu đơn phương ly hôn là Tòa án nhân dân cấp huyện giải quyết và cụ thể là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú.
4. Cơ sở pháp lý
- Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015;
- Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014;
- Nghị định 126/2014/ND –CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật hôn nhân và gia đình;
- Nghị định số 01/2024/ND-CP hướng dẫn một số quy định của pháp luật trong giải quyết vụ việc về hôn nhân và gia đình.