Thủ tục giải quyết tranh chấp thừa kế theo pháp luật

Thừa kế có thể được hiểu là sự chuyển dịch tài sản của người chết cho người còn sống. Và thừa kế luôn gắn liền với quyền sở hữu, tài sản người chết để lại được gọi là di sản thừa kế. Vậy những đối tượng nào được hưởng thừa kế theo pháp luật và các vấn đề có liên quan là gì. Bài viết dưới đây sẽ làm rõ những vấn đề này.

1. Tranh chấp thừa kế theo pháp luật là gì?

Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.

Hàng thừa kế là những người có mối quan hệ thân thiết, gần gũi với người để lại di sản thừa kế nhằm mục đích xác định thứ tự phân chia di sản thừa kế của những người thừa kế theo pháp luật. Theo quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định hàng thừa kế bao gồm hàng thừa kế thứ nhất, hàng thừa kế thứ hai và hàng thừa kế thứ ba.

Tranh chấp thừa kế theo pháp luật

Như vậy, tranh chấp thừa kế theo pháp luật là những mâu thuẫn, bất đồng trong việc phân chia di sản thừa kế giữa các đồng thừa kế với nhau.

2. Những trường hợp thừa kế theo pháp luật

2.1. Những trường hợp áp dụng giải quyết thừa kế theo pháp luật

Những tranh chấp về thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong những trường hợp sau đây:

+ Không có di chúc;

+ Di chúc không hợp pháp;

+ Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;

+ Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

2.2. Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây

+ Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;

+ Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;

+ Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

            Như vậy, khi có tranh chấp về vấn đề phân chia di sản của người chết để lại thuộc một trong những trường hợp nêu trên thì sẽ được giải quyết thừa kế theo pháp luật.

3. Một số dạng tranh chấp thừa kế theo pháp luật

Trên thực tế việc người chết để lại di sản thừa kế mà không có di chúc cũng gây ra rất nhiều tranh chấp giữa các đồng thừa kế với nhau. Vì vậy, tranh chấp về thừa kế theo pháp luật cũng rất đa dạng, cụ thể là:

+ Tranh chấp về phân chia di sản thừa kế: Trong trường hợp không có di chúc hoặc di chúc không hợp pháp hoặc những trường hợp được thừa kế theo pháp luật mà pháp luật quy định

+ Tranh chấp về xác nhận ai là người có quyền thừa kế

+ Tranh chấp về buộc người thừa kế phải thực hiện nghĩa vụ do người chết để lại, thanh toán các khoản chi phí…

4. Người thừa kế theo pháp luật

Theo quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015, những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự như sau:

Hàng thừa kế theo pháp luật
Hàng thừa kế theo pháp luật

+ Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

+ Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

+ Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

            Như vậy, theo quy định nêu trên những người thừa kế cùng hàng sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau.Và những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

  • Lưu ý: Đối với trường hợp tài sản không có người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật hoặc có nhưng không được quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản thì tài sản còn lại sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài sản mà không có người nhận thừa kế thuộc về Nhà nước.

5. Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp thừa kế theo pháp luật

✔ Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ hợp lệ

Khi có tranh chấp về vấn về phân chia di sản thừa kế mà các đồng thừa kế không thể tự thương lượng, hòa giải được thì người thừa kế có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết. Hồ sơ bao gồm:

+ Đơn khởi kiện theo mẫu do pháp luật quy định;

+ Các giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người khởi kiện và người để lại tài sản như: Giấy khai sinh, giấy chứng minh nhân dân,… để xác định diện và hàng thừa kế;

+ Bản tường trình quan hệ nhân thân;

+ Giấy chứng tử của người để lại di sản thừa kế;

+ Bản kê khai các di sản;

+ Các giấy tờ, tài liệu chứng minh sở hữu của người để lại di sản và nguồn gốc di sản của người để lại di sản;

+ Các giấy tờ khác có liên quan.

✔ Bước 2: Nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền

Khi đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ khởi kiện, người khởi kiện nộp hồ sơ tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền để được giải quyết. Có thể nộp bằng các hình thức sau:

+ Trực tiếp tại Tòa án;

+ Gửi qua dịch vụ bưu chính;

+ Hoặc gửi bằng hình thức trực tuyến qua cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có)

✔ Bước 3: Kiểm tra, giải quyết và trả kết quả

Sau khi nhận được hồ sơ hợp lệ, Tòa án sẽ xem xét, kiểm tra nội dung đơn khởi kiện và nếu xét thấy đúng thẩm quyền của mình thì Tòa án sẽ tiến hành thụ lý và giải quyết vụ án theo đúng trình tự thủ tục.

6. Một số câu hỏi thường gặp

6.1. Cha mẹ nuôi và con nuôi có được hưởng thừa kế theo pháp luật không?

Trả lời: Quan hệ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi ngoài được thừa kế di sản của nhau thì còn được thừa kế di sản theo hàng thừa kế và theo thừa kế thế vị theo quy định tại Điều 653 BLDS 2015.

6.2. Trường hợp vợ chồng đã chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân thì có được hưởng thừa kế của nhau không?

Trả lời: Trường hợp vợ, chồng đã chia tài sản chung khi hôn nhân còn tồn tại mà sau đó một người chết thì người còn sống vẫn được thừa kế di sản.

Trường hợp vợ, chồng xin ly hôn mà chưa được hoặc đã được Tòa án cho ly hôn bằng bản án hoặc quyết định chưa có hiệu lực pháp luật, nếu một người chết thì người còn sống vẫn được thừa kế di sản. Người đang là vợ hoặc chồng của một người tại thời điểm người đó chết thì dù sau đó đã kết hôn với người khác vẫn được thừa kế di sản.

6.3. Trường hợp cháu nội có được hưởng thừa thừa kế của ông nội khi không có di chúc không?

Trả lời: Trường hợp ông nội chết không để lại di chúc và đồng thời con của ông nội (tức là bố của cháu) chết trước hoặc chết cùng lúc với ông nội thì người cháu sẽ được hưởng phần di sản thừa kế theo diện thừa kế thế vị được quy định tại Điều 652 Bộ luật Dân sự 2015.

            Như vậy, bài viết trên đã trình bày sơ lược về tranh chấp thừa kế theo pháp luật. Nếu Quý khách hàng còn thắc mắc hoặc cần hỗ trợ vấn đề dịch vụ hãy liên hệ với chúng tôi theo thông tin dưới đây:

Điện Thoại: 0346556969

Email: dichvutuvannamviet@gmail.com

Website: https://luatsunamviet.vn

Địa Chỉ: Số 97 đường Huỳnh Văn Lũy, khu phố 3, Phường Hoà Phú, Thành phố Thủ Dầu Một, Tỉnh Bình Dương, Việt Nam

 

0346.556.969